Thông tư 03/2019/TT-BLĐTBXH Chương trình tiếng Anh trong đào tạo trung cấp, cao đẳng - Phòng GD&DT Sa Thầy

Thông tư 03/2019/TT-BLĐTBXH Chương trình tiếng Anh trong đào tạo trung cấp, cao đẳng

pgdsathay
pgdsathay 06/11/2022

Thông tư 03/2019/TT-BLĐTBXH

Chương trình tiếng Anh trong đào tạo trung cấp, cao đẳng

Ngày 17/01/2019, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 03/2019/TT-BLĐTBXH ban hành Chương trình môn học Tiếng Anh thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Bạn đang xem: Thông tư 03/2019/TT-BLĐTBXH Chương trình tiếng Anh trong đào tạo trung cấp, cao đẳng

Theo đó, người học được miễn học, miễn thi kết thúc môn học Tiếng Anh trong các trường hợp:

  • Có chứng chỉ Tiếng Anh bậc 2 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
  • Có chứng chỉ Tiếng Anh tương đương cấp độ A2 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu do các tổ chức nước ngoài cấp.

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 03/2019/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2019

THÔNG TƯ 03/2019/TT-BLĐTBXH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH MÔN HỌC TIẾNG ANH THUỘC KHỐI CÁC MÔN HỌC CHUNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP, TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư ban hành Chương trình môn học Tiếng Anh thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chương trình môn học Tiếng Anh thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Thông tư này không áp dụng đối với các ngành, nghề đào tạo thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 03 năm 2019. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đang tổ chức giảng dạy môn học Tiếng Anh thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện giảng dạy môn học theo các quy định hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học.

Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị – xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để hướng dẫn hoặc bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp./.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;

– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
– HĐND, UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Công báo, Website Chính phủ;
– Các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH, Website Bộ;
– Lưu: VT, TCGDNN (20 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quân

CHƯƠNG TRÌNH

MÔN HỌC TIẾNG ANH THUỘC KHỐI CÁC MÔN HỌC CHUNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2019/TT-BLĐTBXH ngày 17 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)

Tên môn học: Tiếng Anh

Thời gian thực hiện: 120 giờ, (Lý thuyết: 42 giờ; Thực hành, thảo luận, bài tập: 72 giờ; Kiểm tra và ôn tập: 6 giờ).

I. Vị trí, tính chất của môn học

1. Vị trí: Môn học Tiếng Anh là một trong các môn học ngoại ngữ bắt buộc thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng.

2. Tính chất: Chương trình môn học Tiếng Anh bao gồm các kiến thức, kỹ năng sử dụng tiếng Anh cơ bản trong đời sống, học tập và hoạt động nghề nghiệp phù hợp với trình độ được đào tạo.

II. Mục tiêu môn học

Sau khi học xong chương trình ở trình độ cao đẳng, người học đạt được trình độ năng lực ngoại ngữ Bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể:

1. Về kiến thức

Nhận biết và giải thích được các cấu trúc ngữ pháp cơ bản về thành phần của câu, cách sử dụng thì hiện tại đơn, tiếp diễn và hoàn thành, thì quá khứ đơn, tiếp diễn, thì tương lai, phân loại danh từ, đại từ và tính từ; phân biệt và giải thích được các từ vựng về những chủ đề quen thuộc như giới thiệu bản thân và người khác, các hoạt động hàng ngày, sở thích, địa điểm, thực phẩm và đồ uống, các sự kiện đặc biệt, kỳ nghỉ, các kế hoạch trong tương lai, ngoại hình và tính cách, sự phát triển của công nghệ và thói quen mua sắm.

2. Về kỹ năng

a) Kỹ năng nghe: Nghe và hiểu được những cụm từ và cách diễn đạt liên quan tới nhu cầu thiết yếu hằng ngày khi được diễn đạt chậm và rõ ràng về các chủ đề liên quan đến các thành viên gia đình, các hoạt động giải trí trong thời gian rảnh rỗi, vị trí đồ đạc trong nhà, các loại thức ăn và đồ uống phổ biến, các hoạt động trong các dịp lễ hoặc sự kiện đặc biệt, du lịch, các hoạt động hàng ngày, sở thích, kế hoạch trong tương lai, ngoại hình, tính cách và mua sắm; hiểu được ý chính trong các giao dịch quen thuộc hằng ngày khi được diễn đạt chậm và rõ ràng.

b) Kỹ năng nói: Giao tiếp một cách đơn giản và trực tiếp về các chủ đề quen thuộc hằng ngày liên quan tới tự giới thiệu bản thân, gia đình, nghề nghiệp, sở thích; chỉ đường đến những địa điểm thông thường; đặt được câu hỏi về số lượng; giới thiệu được những ngày lễ, sự kiện đặc biệt, hoạt động du lịch, các kế hoạch cho các ngày lễ và sự kiện đặc biệt; mô tả tính cách và ngoại hình của bản thân và người khác; giới thiệu các sản phẩm công nghệ và công dụng; mô tả thói quen mua sắm; truyền đạt quan điểm, nhận định của mình trong các tình huống xã giao đơn giản, ngắn gọn.

c) Kỹ năng đọc: Đọc và phân tích được các đoạn văn bản ngắn và đơn giản về các vấn đề quen thuộc và cụ thể; đọc hiểu đại ý và thông tin chi tiết thông qua các bài đọc có liên quan đến giới thiệu bạn bè, các hoạt động trong thời gian rảnh rỗi, nơi chốn, các thức ăn và đồ uống phổ biến, các ngày lễ đặc biệt và kỳ nghỉ, các hoạt động hàng ngày và các sở thích, cách chào đón năm mới ở các quốc gia, sự phát triển của công nghệ và thói quen mua sắm.

d) Kỹ năng viết: Viết được các mệnh đề, câu đơn giản và kết nối với nhau bằng các liên từ cơ bản; viết đoạn văn ngắn về các chủ đề có liên quan đến bản thân, sở thích và các hoạt động trong thời gian rảnh rỗi, mô tả nhà ở, thức ăn và đồ uống, các lễ hội và dịp đặc biệt, các kỳ nghỉ và các sở thích, kế hoạch và dự định cho việc chào đón năm mới, thiết bị công nghệ và thói quen mua sắm.

3. Về năng lực tự chủ và trách nhiệm

– Nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ nói chung và Tiếng Anh nói riêng, có trách nhiệm trong việc sử dụng tiếng Anh trong đời sống, học tập và nghề nghiệp;

– Có thể làm việc độc lập hoặc theo nhóm trong việc áp dụng tiếng Anh vào học tập, lao động và các hoạt động khác.

III. Nội dung môn học

1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

2. Nội dung chi tiết như sau:

Số TT Tên đơn vị bài hc Tổng s Thời gian (giờ)
Lý thuyết Thực hành, thảo luận, bài tập Kiểm tra & Ôn tập
1 Bài 1: Gia đình và bạn bè (Family and friends) 9 3 6
2 Bài 2: Thời gian rảnh rỗi (Leisure time) 9 3 6
3 Bài 3: Địa điểm (Places) 9 3 6
4 Bài 4: Các loại thực phẩm và đồ uống (Food and drink) 9 3 6
5 Ôn tập và kiểm tra (Consolidation & test) 4 2 2
6 Bài 5: Các sự kiện đặc biệt (Special occasions) 9 3 6
7 Bài 6: Kỳ nghỉ (Vacation) 9 3 6
8 Bài 7: Các hoạt động hàng ngày (Activities) 9 3 6
9 Bài 8: Sở thích (Hobbies and interests) 9 3 6
10 Ôn tập và kiểm tra (Consolidation & test) 4 2 2
11 Bài 9: Các kế hoạch trong tương lai (Future plans) 9 3 6
12 Bài 10: Ngoại hình và tính cách (Appearance and personality) 9 3 6
13 Bài 11: Công nghệ (Technology) 9 3 6
14 Bài 12: Mua sắm (Shopping) 9 3 6
15 Ôn tập và kiểm tra (Consolidation & test) 4 2 2
Tổng cộng 120 42 72 6

Bài 1. GIA ĐÌNH VÀ BẠN BÈ (FAMILY AND FRIENDS)

1. Mục tiêu

– Nhận biết các động từ thông dụng và từ vựng về gia đình;

– Nhận biết và sử dụng được thì hiện tại đơn, tính từ sở hữu, đại từ và đại từ chỉ định;

– Nghe và trả lời câu hỏi về đề tài gia đình;

– Nói về bản thân và gia đình;

– Đọc hiểu bài đọc và trả lời câu hỏi về gia đình;

– Viết đoạn văn giới thiệu bản thân.

2. Nội dung

2.1. Từ vựng (Vocabulary)

2.1.1. Gia đình;

2.1.2. Nghề nghiệp;

2.1.3. Các động từ thông dụng và các hoạt động.

2.2. Ngữ pháp (Grammar)

2.2.1. Động từ “to be”;

2.2.2. Tính từ sở hữu;

2.2.3. Đại từ và đại từ chỉ định;

2.2.4. Thì hiện tại đơn.

2.3. Kỹ năng nghe (Listening)

2.3.1. Nghe và trả lời câu hỏi về thông tin cá nhân và gia đình;

2.3.2. Bài tập True/False.

2.4. Kỹ năng nói (Speaking)

2.4.1. Giới thiệu bản thân và gia đình;

2.4.2. Hỏi và trả lời.

2.5. Kỹ năng đọc (Reading)

2.5.1. Bài đọc: My friend Minh;

2.5.2. Bài tập trắc nghiệm;

2.5.3. Bài tập True/False.

2.6. Kỹ năng viết (Writing)

Viết đoạn văn giới thiệu bản thân (tối thiểu 50 từ).

Bài 2. THỜI GIAN RẢNH RỖI (LEISURE TIME)

1. Mục tiêu

– Nhận biết và đặt ví dụ với các trạng từ chỉ tần suất (Adverbs of frequency), động từ khiếm khuyết can/can’t và câu hỏi với How often…?;

– Sử dụng các từ vựng về sở thích, thể thao và hoạt động lúc rảnh rỗi;

– Nghe các cá nhân giới thiệu sở thích và trả lời câu hỏi;

– Trình bày về sở thích và các hoạt động trong thời gian rảnh rỗi;

– Đọc hiểu bài đọc và trả lời câu hỏi về sở thích trong thời gian rảnh rỗi;

– Viết về các hoạt động yêu thích trong thời gian rảnh rỗi.

2. Nội dung

2.1. Từ vựng (Vocabulary)

2.1.1. Các môn thể thao;

2.1.2. Các hoạt động trong thời gian rãnh rỗi.

2.2. Ngữ pháp (Grammar)

2.2.1. Trạng từ chỉ tần suất;

2.2.2. Động từ khiếm khuyết Can/can’t;

2.2.3. Cấu trúc How often…?.

2.3. Kỹ năng nghe (Listening)

2.3.1. Nghe các cá nhân giới thiệu sở thích và trả lời câu hỏi;

2.3.2. Bài tập nghe và lựa chọn đáp án chính xác;

2.3.3. Bài tập nghe và kết hợp đúng đối tượng và hoạt động.

2.4. Kỹ năng nói (Speaking)

2.4.1. Trình bày về sở thích và các hoạt động trong thời gian rảnh rỗi;

2.4.2. Phỏng vấn một người bạn trong lớp.

2.5. Kỹ năng đọc (Reading)

2.5.1. Bài đọc: What does she usually do on Saturdays?;

2.5.2. Đọc và trả lời câu hỏi;

2.5.3. Bài tập trắc nghiệm;

2.5.4. Bài tập True/False.

2.6. Kỹ năng viết (Writing)

Viết về các hoạt động yêu thích trong thời gian rảnh rỗi (tối thiểu 50 từ).

Bài 3. ĐỊA ĐIỂM (PLACES)

1. Mục tiêu

– Nhận biết và đặt ví dụ với There is/there are, giới từ chỉ nơi chốn và các từ vựng về vật dụng trong nhà, các địa điểm phổ biến và các tính từ phổ biến;

– Nghe và trả lời câu hỏi về vị trí các vật dụng trong nhà;

– Hỏi đường và chỉ đường;

– Đọc hiểu bài đọc giới thiệu về thành phố và các địa điểm nổi bật;

– Viết đoạn văn ngắn giới thiệu về quê hương của bạn.

2. Nội dung

2.1. Từ vựng (Vocabulary)

2.1.1. Các địa điểm trong thành phố;

2.1.2. Các tính từ thông dụng;

2.1.3. Các đồ vật trong nhà;

2.2. Ngữ pháp (Grammar)

2.2.1. Cấu trúc There is/ There are;

2.2.2. Giới từ chỉ nơi chốn.

2.3. Kỹ năng nghe (Listening)

2.3.1. Nghe và trả lời câu hỏi về vị trí các vật dụng trong nhà;

2.3.2. Bài tập nghe và chọn đáp án chính xác.

2.4. Kỹ năng nói (Speaking)

2.4.1. Mô tả vị trí các đồ vật và nơi chốn trong hình ảnh;

2.4.2. Bài tập điền hoàn chỉnh bảng câu hỏi.

2.5. Kỹ năng đọc (Reading)

2.5.1. Bài đọc: Da Nang City – a worth-living city in Viet Nam;

2.5.2. Bài tập đọc và trả lời câu hỏi.

2.6. Kỹ năng viết (Writing)

Viết đoạn văn ngắn mô tả một căn phòng trong nhà bạn (tối thiểu 50 từ).

……….

Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

Đăng bởi: Phòng Giáo Dục Sa Thầy

Chuyên mục: Tài liệu – Văn Bản

Rate this post