Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BGTVT-BCA Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa - Phòng GD&DT Sa Thầy

Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BGTVT-BCA Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa

pgdsathay
pgdsathay 05/11/2022

Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BGTVT-BCA

Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa

Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BGTVT-BCA của Bộ Giao thông vận tải – Bộ Công an: Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Bạn đang xem: Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BGTVT-BCA Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI – BỘ CÔNG AN
———–

Số: 37/2012/TTLT-BGTVT-BCA

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độ lập – Tự do – Hạnh phúc
————————-

Hà Nội, ngày 17 tháng 09 năm 2012

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP
ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa
————————

Căn cứ Nghị định số 60/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (sau đây viết gọn là Nghị định số 60/2011/NĐ-CP).

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP về cách xác định hành vi vi phạm hành chính; thủ tục, hình thức xử phạt; xác định thẩm quyền xử phạt; biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa bao gồm các hành vi vi phạm quy định tại Chương II Nghị định số 60/2011/NĐ-CP. Người điều khiển tàu biển, tàu cá khi hoạt động trên đường thủy nội địa có hành vi vi phạm quy định tại Điều 7, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 25, Điều 26, Điều 32 hoặc tàu cá có hành vi vi phạm quy định tại Điều 15, Điều 23 của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các điều đó; đối với những hành vi vi phạm hành chính khác thì người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Nghị định số 60/2011/NĐ-CP áp dụng hình thức, mức xử phạt quy định tại các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, thủy sản để xử phạt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 60/2011/NĐ-CP.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính; tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Điều 3. Cách xác định hành vi vi phạm hành chính

1. Hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm, khoản, điều trong Chương II của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP là độc lập với nhau.

2. Tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi vi phạm hành chính quy định tại mỗi điểm, khoản, điều của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP thì bị xử phạt theo quy định đối với mỗi hành vi vi phạm quy định tại điểm, khoản, điều đó.

3. Trường hợp tổ chức, cá nhân đồng thời thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

Điều 4. Xác định trọng tải toàn phần, công suất máy của phương tiện để áp dụng xử phạt vi phạm hành chính

1. Đối với phương tiện thuộc diện đăng ký nhưng chưa đăng ký, phương tiện thuộc diện đăng kiểm nhưng chưa đăng kiểm có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa thì xác định trọng tải toàn phần, công suất máy của phương tiện như sau:

a) Trọng tải toàn phần của phương tiện ký hiệu là T (tấn) và được tính theo công thức T = A x K, trong đó:

– A là giá trị của số đo chiều dài boong chính, đo từ mũi đến lái phương tiện nhân với số đo chiều rộng mép boong ở giữa phương tiện nhân với số đo chiều cao mạn, đo từ đáy đến boong ở giữa phương tiện được tính theo công thức A = L x B x D, trong đó:

+ L(m): Chiều dài boong chính đo từ mũi đến lái phương tiện;

+ B(m): Chiều rộng mép boong ở giữa phương tiện;

+ D(m): Chiều cao mạn đo từ đáy đến boong ở giữa phương tiện.

– K: Hệ số tương ứng với giá trị A và áp dụng như sau:

+ Giá trị của A từ 4,55 đến 18,76 thì hệ số K = 0,26;

+ Giá trị của A từ trên 18,76 đến 49,80 thì hệ số K = 0,29;

+ Giá trị của A từ trên 49,80 đến 387,20 thì hệ số K = 0,35;

+ Giá trị của A từ trên 387,20 đến 1.119,80 thì hệ số K = 0,51;

+ Giá trị của A trên 1.119,80 thì hệ số K = 0,57.

b) Nếu phương tiện không vận tải hàng hóa, hành khách thì căn cứ vào tổng công suất máy chính lắp trên phương tiện để áp dụng hình thức, mức tiền phạt.

2. Trường hợp không xác định được trọng tải toàn phần theo quy định tại Khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đề nghị cơ quan đăng kiểm xác định trọng tải toàn phần của phương tiện để làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 5. Xử phạt đối với hành vi không có hoặc không mang giấy tờ theo quy định

1. Trường hợp tại thời điểm kiểm tra, chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện không có các loại giấy tờ theo quy định (Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, bằng, chứng chỉ chuyên môn…) thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ lập biên bản về hành vi không có giấy tờ. Trong thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm xuất trình được giấy tờ để chứng minh thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo loại giấy tờ đó và phải phô tô, lưu lại loại giấy tờ đó trong hồ sơ.

2. Trường hợp người vi phạm không xuất trình được giấy tờ thì xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không có giấy tờ theo quy định.

Điều 6. Tạm giữ giấy tờ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các giấy tờ, theo thứ tự: Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, bằng, chứng chỉ chuyên môn cho đến khi người bị xử phạt chấp hành xong quyết định xử phạt.

Điều 7. Tạm giữ và quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ

1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính áp dụng trong các trường hợp sau:

a) Để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt;

b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm;

c) Trường hợp bị phạt tiền nhưng không thể thực hiện việc tạm giữ các loại giấy tờ theo Điều 6 của Thông tư này.

2. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính phải thực hiện theo thủ tục, thẩm quyền, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện quy định tại Điều 46 của Pháp lệnh. Xử lý vi phạm hành chính.

3. Việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2006 và Nghị định số 22/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 70/2006/NĐ-CP về việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ mà cơ quan, đơn vị tạm giữ không có điều kiện cần thiết để bảo quản theo quy định của Nghị định số 70/2006/NĐ-CP và Nghị định số 22/2009/NĐ-CP nêu trên thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao tang vật, phương tiện bị tạm giữ cho tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ quản lý, bảo quản nếu xét thấy việc giao quản lý bảo quản đó không ảnh hưởng đến việc đảm bảo xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 8. Tước quyền sử dụng giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề; thông báo việc tạm giữ giấy tờ và tước quyền sử dụng giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề

1. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà các hành vi vi phạm này đều bị tước quyền sử dụng cùng một loại giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề thì chỉ áp dụng tước quyền sử dụng loại giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề có thời hạn bị tước quyền sử dụng dài nhất quy định đối với hành vi vi phạm đó; nếu không cùng một loại giấy phép hoạt động, bằng, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề thì áp dụng riêng đối với từng loại giấy tờ.

2. Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tạm giữ giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề cho đến hết thời gian tước quyền sử dụng ghi trong quyết định.

3. Trường hợp tạm giữ giấy tờ để bảo đảm việc chấp hành quyết định xử phạt nhưng đã quá thời hạn ghi trong biên bản mà người vi phạm không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày hết hạn tạm giữ ghi trong biên bản, người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản về Cục Cảnh sát đường thủy; trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề thì phải thông báo ngay cho cơ quan cấp giấy tờ đó và Cục Cảnh sát đường thủy. Trong thông báo phải ghi rõ loại giấy tờ tạm giữ hoặc bị tước quyền sử dụng, số, ký hiệu của giấy tờ, số đăng ký phương tiện, họ tên, địa chỉ người vi phạm và lỗi vi phạm hành chính.

Điều 9. Xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 38 của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP và theo quy định dưới đây:

1. Đối với những vi phạm hành chính xảy ra tại các cảng, bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động hoặc cảng, bến thủy nội địa đã được công bố, cấp phép hoạt động nhưng không thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của Cảng vụ đường thủy nội địa mà do Ban quản lý cảng, bến thủy nội địa quản lý thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Nghị định số 60/2011/NĐ-CP, trừ Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa.

2. Khi phát hiện phương tiện hoán cải làm thay đổi kết cấu, tính năng, công dụng không theo hồ sơ thiết kế được duyệt ở ngoài cơ sở đóng mới, sửa chữa phục hồi phương tiện thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị đinh số 60/2011/NĐ-CP được xử phạt về hành vi vi phạm đó theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP.

3. Trên địa bàn giáp ranh hoặc trên cùng một tuyến có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, lực lượng nào phát hiện hành vi vi phạm trước thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lực lượng đó.

Điều 10. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về giấy phép khai thác hoặc văn bản chấp thuận khai thác cát, sỏi, khoáng sản khác

1. Giấy phép hoặc chấp thuận bằng văn bản quy định tại Điểm c Khoản 6, Điểm c Khoản 7, Điểm c Khoản 8 và Điểm b Khoản 9 Điều 7 của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP là giấy phép hoặc chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi, khoáng sản khác trên đường thủy nội địa.

2. Phương tiện, thiết bị bị tịch thu theo quy định tại Điểm b Khoản 11 Điều 7 của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP là những phương tiện, dụng cụ, máy móc được sử dụng trực tiếp vào việc khai thác cát, sỏi, khoáng sản khác. Các cấu trúc nổi như sà lan, ụ nổi, tàu, thuyền, máy nổ nếu không sử dụng trực tiếp vào việc khai thác cát, sỏi, khoáng sản khác thì không phải là phương tiện, thiết bị bị tịch thu theo quy định tại Điểm b Khoản 11 Điều 7 của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP.

Phòng Giáo Dục Sa Thầy file tài liệu để xem thêm chi tiết

Đăng bởi: Phòng Giáo Dục Sa Thầy

Chuyên mục: Tài liệu – Văn Bản

Rate this post