Thông tư 61/2012/TT-BNNPTNT Quy định việc giám sát an toàn thực phẩm thủy sản sau thu hoạch - Phòng GD&DT Sa Thầy

Thông tư 61/2012/TT-BNNPTNT Quy định việc giám sát an toàn thực phẩm thủy sản sau thu hoạch

pgdsathay
pgdsathay 17/10/2022

Thông tư 61/2012/TT-BNNPTNT

Quy định việc giám sát an toàn thực phẩm thủy sản sau thu hoạch

Thông tư 61/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 13 tháng 11 năm 2012 quy định việc giám sát an toàn thực phẩm thủy sản sau thu hoạch.

Bạn đang xem: Thông tư 61/2012/TT-BNNPTNT Quy định việc giám sát an toàn thực phẩm thủy sản sau thu hoạch

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

———————–
Số: 61/2012/TT-BNNPTNT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

———————-

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2012

THÔNG TƯ
Quy định việc giám sát an toàn thực phẩm thủy sản sau thu hoạch

——————–

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 06 năm 2010 và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007 và Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định việc giám sát an toàn thực phẩm thủy sản sau thu hoạch.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về trình tự, nội dung thực hiện Chương trình giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với thủy sản sau thu hoạch; trách nhiệm của các cơ quan thực hiện giám sát và các cơ sở tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh thuỷ sản sau thu hoạch (sau đây gọi tắt là Cơ sở).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở trong chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản có sản phẩm chỉ tiêu thụ nội địa, bao gồm: cơ sở thu mua, lưu giữ, bảo quản (bao gồm cả các cơ sở tại cảng cá, chợ đầu mối, đấu giá thực phẩm thủy sản); cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm thủy sản.

2. Thông tư này không áp dụng đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản có sản phẩm xuất khẩu; cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản không dùng làm thực phẩm.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

Trong Thông tư này, một số từ ngữ được hiểu như sau:

1. Giám sát: là việc đánh giá sự phù hợp của sản phẩm với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định về ATTP thông qua việc lấy mẫu sản phẩm trong chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm thủy sản để kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP (không bao gồm việc lấy mẫu thẩm tra điều kiện bảo đảm ATTP của cơ sở) nhằm đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, phục vụ phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về ATTP và cung cấp thông tin ATTP cho người tiêu dùng.

2. Giám sát tăng cường: là hoạt động giám sát đối với sản phẩm không bảo đảm ATTP hoặc tại cơ sở có liên quan đến sự cố ATTP (bao gồm cả việc lấy mẫu để kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP).

3. Lấy mẫu ngẫu nhiên: là thao tác kỹ thuật để thu được một đơn vị hoặc một lượng thực phẩm bất kỳ phục vụ kiểm nghiệm, đánh giá ATTP.

4. Lấy mẫu có chủ định: là thao tác kỹ thuật để thu được một đơn vị hoặc một lượng thực phẩm một cách có chủ ý, dựa trên đánh giá nguy cơ trong trường hợp sản phẩm có nguy cơ không bảo đảm ATTP hoặc tại cơ sở có liên quan đến sự cố ATTP, nhằm mục đích kiểm nghiệm, đánh giá ATTP.

5. Thực phẩm thủy sản: là tất cả các loài động, thực vật sống trong nước và lưỡng cư, kể cả trứng và những bộ phận của chúng được sử dụng làm thực phẩm hoặc thực phẩm phối chế mà trong thành phần có chứa thủy sản.

6. Sản xuất, kinh doanh thủy sản sau thu hoạch: là việc thu mua, lưu giữ, bảo quản, sơ chế, chế biến thủy sản sau hoạt động đánh bắt, khai thác tự nhiên hoặc nuôi trồng nhằm tạo ra thực phẩm thủy sản có thể tiêu dùng ngay hoặc tạo ra nguyên liệu hoặc bán thành phẩm cho khâu chế biến thủy sản.

Điều 4. Căn cứ để thực hiện giám sát ATTP thủy sản sau thu hoạch

Các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành và các quy định khác của Nhà nước có liên quan về các chỉ tiêu ATTP đối với thủy sản sau thu hoạch.

Điều 5. Cơ quan giám sát ATTP thủy sản sau thu hoạch

1. Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản hoặc cơ quan được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ quản lý chất lượng ATTP thủy sản (đối với các tỉnh chưa thành lập Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) là cơ quan giám sát ATTP thủy sản sau thu hoạch địa phương (sau đây gọi tắt là cơ quan giám sát địa phương): chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện giám sát về ATTP thủy sản sau thu hoạch tại địa phương sau khi kế hoạch được phê duyệt.

2. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản là cơ quan giám sát ATTP thủy sản sau thu hoạch Trung ương (sau đây gọi tắt là cơ quan giám sát Trung ương): chủ trì tổng hợp kế hoạch giám sát thủy sản sau thu hoạch của cơ quan giám sát địa phương trình Bộ phê duyệt, thực hiện giám sát đột xuất theo yêu cầu của Bộ và tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện giám sát ATTP thủy sản sau thu hoạch trên phạm vi toàn quốc.

Điều 6. Yêu cầu đối với người lấy mẫu

1. Là người được đào tạo và có chứng chỉ đã hoàn thành khóa đào tạo phù hợp về nghiệp vụ lấy mẫu, triển khai chương trình giám sát ATTP thủy sản do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cấp;

2. Được trang bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị phục vụ lấy mẫu, bảo quản mẫu giám sát thủy sản sau thu hoạch.

Điều 7. Phương thức giám sát

Lấy mẫu ngẫu nhiên hoặc có chủ định nhằm giám sát, đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định về ATTP của thực phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa.

Chương II
THIẾT LẬP KẾ HOẠCH VÀ TRIỂN KHAI GIÁM SÁT

Điều 8. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch lấy mẫu giám sát

1. Cơ quan giám sát địa phương chuẩn bị cơ sở dữ liệu để xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát, gồm các thông tin được thống kê theo đơn vị hành chính cấp huyện như sau:

a) Sản lượng nguyên liệu, khối lượng thực phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác tự nhiên hoặc được nuôi trồng phổ biến tại địa phương; thời gian cao điểm của mùa vụ khai thác, thu hoạch, chế biến sản phẩm thực phẩm thủy sản và dự kiến sản lượng/khối lượng của năm tiếp theo.

b) Kết quả giám sát ATTP thủy sản của năm trước, thông tin phản ánh của người tiêu dùng, cảnh báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về chất lượng, ATTP đối với thực phẩm thủy sản được sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ tại địa phương để xác định chỉ tiêu, nhóm sản phẩm có nguy cơ cao về ATTP tại địa phương.

c) Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản và kết quả kiểm tra, đánh giá, phân loại điều kiện bảo đảm ATTP tương ứng với các đối tượng nêu tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này.

2. Căn cứ cơ sở dữ liệu tại khoản 1 Điều này,cơ quan giám sát địa phương xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát hàng năm trên địa bàn theo nội dung, mẫu biểu hướng dẫn của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và báo cáo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản trước ngày 15 tháng 11 hàng năm. Kế hoạch lấy mẫu giám sát bao gồm các nội dung sau:

a) Đối tượng thực phẩm thủy sản và vùng/khu vực cần giám sát theo thứ tự ưu tiên về nguy cơ ATTP;

b) Số lượng mẫu và chỉ tiêu ATTP cần giám sát phù hợp với đối tượng giám sát;

c) Dự kiến thời gian thực hiện lấy mẫu giám sát;

d) Dự trù kinh phí triển khai hoạt động giám sát tại địa phương.

3. Tiêu chí xác định đối tượng thực phẩm thủy sản cần giám sát:

a) Thực phẩm thủy sản được sản xuất làm hàng hóa hoặc được lưu giữ, bảo quản với khối lượng lớn tại địa phương;

b) Sản phẩm thực phẩm thủy sản bị phát hiện vi phạm quy định về ATTP theo các thông tin cảnh báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc các kết quả kiểm tra, giám sát các năm trước;

c) Xuất hiện mối nguy mới về ATTP;

d) Theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Vùng/khu vực giám sát:Vùng/khu vực giám sát là nơi (theo đơn vị hành chính cấp huyện) có hoạt động sản xuất hàng hóa thủy sản hoặc lưu giữ, bảo quản với khối lượng lớn của đối tượng giám sát được xác định tại khoản 3 Điều này.

5. Thời gian thực hiện lấy mẫu giám sát:

a) Thời gian cao điểm của mùa vụ khai thác, thu hoạch, thời điểm tiêu thụ đối với đối tượng giám sát đã được xác định tại khoản 3 Điều này

b) Theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6. Phạm vi lấy mẫu và chỉ tiêu giám sát ATTP đối với thủy sản có nguồn gốc khai thác tự nhiên:

a) Tại cơ sở thu gom, lưu giữ, bảo quản: Lấy mẫu thủy sản giám sát chất bảo quản (không áp dụng đối với thủy sản còn sống); độc tố sinh học gắn liền với loài; kim loại nặng; vi sinh vật gây bệnh.

b) Tại cơ sở sơ chế, chế biến: Lấy mẫu sản phẩm giám sát phụ gia, chất hỗ trợ chế biến; vi sinh vật gây bệnh.

7. Phạm vi lấy mẫu và chỉ tiêu giám sát ATTP đối với thủy sản có nguồn gốc từ nuôi trồng:

a) Tại cơ sở thu gom, lưu giữ, bảo quản: Lấy mẫu thủy sản giám sát chất bảo quản (không áp dụng đối với thủy sản còn sống); hóa chất, kháng sinh sử dụng trong nuôi trồng đối với đối tượng chưa được kiểm soát theo Chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi; vi sinh vật gây bệnh.

b) Tại cơ sở sơ chế, chế biến: Lấy mẫu sản phẩm giám sát phụ gia, chất hỗ trợ chế biến; vi sinh vật gây bệnh.

Phòng Giáo Dục Sa Thầy file tài liệu để xem thêm chi tiết

Đăng bởi: Phòng Giáo Dục Sa Thầy

Chuyên mục: Tài liệu – Văn Bản

Rate this post