Quyết định số 15/2010/QĐ-TTG Về phụ cấp dạy lớp ghép đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập - Phòng GD&DT Sa Thầy

Quyết định số 15/2010/QĐ-TTG Về phụ cấp dạy lớp ghép đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập

pgdsathay
pgdsathay 13/11/2022

Quyết định số 15/2010/QĐ-TTG

Về phụ cấp dạy lớp ghép đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập

Quyết định số 15/2010/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Về phụ cấp dạy lớp ghép đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập.

Bạn đang xem: Quyết định số 15/2010/QĐ-TTG Về phụ cấp dạy lớp ghép đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——————-

Số: 15/2010/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————————————-

Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2010

QUYẾT ĐỊNH
Về phụ cấp dạy lớp ghép đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy
học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập
—————————

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quyết định này quy định về phụ cấp dạy lớp ghép đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Lớp ghép là lớp học có học sinh ở hai trình độ (lớp) khác nhau trở lên cùng học và do một giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Điều 3. Điều kiện, mức phụ cấp và cách tính phụ cấp

1. Điều kiện được hưởng phụ cấp:

Giáo viên được Thủ trưởng cơ sở giáo dục hoặc cấp có thẩm quyền phân công dạy lớp ghép được tính hưởng phụ cấp quy định tại Quyết định này.

2. Mức phụ cấp được hưởng:

a) Giáo viên dạy lớp ghép hai trình độ, mỗi tháng được hưởng thêm 50% tiền lương của tháng giảng dạy;

b) Giáo viên dạy lớp ghép ba trình độ trở lên, mỗi tháng được hưởng thêm 75% tiền lương của tháng giảng dạy.

3. Cách tính phụ cấp:

a) Phụ cấp dạy lớp ghép được tính trả trên cơ sở tiền lương tháng của giáo viên;

b) Tiền lương tháng của giáo viên (T) = [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) + hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có)] x mức lương tối thiểu chung.

– Phụ cấp của giáo viên dạy lớp ghép 2 trình độ = T x 50%;

– Phụ cấp của giáo viên dạy lớp ghép 3 trình độ trở lên = T x 75%.

4. Chế độ phụ cấp dạy lớp ghép được tính trả theo tháng giảng dạy, chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Điều 4. Nguồn kinh phí

Nguồn kinh phí thực hiện phụ cấp dạy lớp ghép được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm theo quy định hiện hành.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2010.

Chế độ phụ cấp dạy lớp ghép theo quy định tại Quyết định này được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc CP;
– VP BCĐ TW về phòng chống tham nhũng;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– UB Giám sát tài chính QG;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ngân hàng Chính sách Xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: VT, KGVX (5b), Q.

KT.THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

(đã ký)
Nguyễn Sinh Hùng

Đăng bởi: Phòng Giáo Dục Sa Thầy

Chuyên mục: Tài liệu – Văn Bản

Rate this post