Quyết định 311/2013/QĐ-CHHVN Quy chế điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức cơ quan, đơn vị thuộc Cục Hàng hải Việt Nam - Phòng GD&DT Sa Thầy

Quyết định 311/2013/QĐ-CHHVN Quy chế điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức cơ quan, đơn vị thuộc Cục Hàng hải Việt Nam

pgdsathay
pgdsathay 16/10/2022

Quyết định 311/2013/QĐ-CHHVN

Quy chế điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức cơ quan, đơn vị thuộc Cục Hàng hải Việt Nam

Quyết định 311/2013/QĐ-CHHVN về Quy chế điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức cơ quan, đơn vị thuộc Cục Hàng hải Việt Nam.

Bạn đang xem: Quyết định 311/2013/QĐ-CHHVN Quy chế điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức cơ quan, đơn vị thuộc Cục Hàng hải Việt Nam

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM

——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————————-

Số: 311/QĐ-CHHVN

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ ĐIỀU ĐỘNG, LUÂN CHUYỂN, BIỆT PHÁI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM

CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM

Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý;

Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 03 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Quyết định số 26/2009/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 1233/QĐ-CHHVN ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý cán bộ thuộc Cục Hàng hải Việt Nam;

Theo đề nghị của Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức cơ quan, đơn vị thuộc Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– Vụ TCCB (thay B/c);
– Đảng ủy Cục HHVN;
– Công đoàn Cục HHVN;
– Các đơn vị trực thuộc;
– Các Phòng, TTr.HH, VP;
– Lưu: VT, TCCB.

CỤC TRƯỞNG

(Đã ký)

Nguyễn Nhật

QUY CHẾ

ĐIỀU ĐỘNG, LUÂN CHUYỂN, BIỆT PHÁI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 311/QĐ-CHHVN ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định việc điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức trong Cục Hàng hải Việt Nam.

2. Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức giúp việc Cục trưởng, các đơn vị trực thuộc và công chức, viên chức trong Cục Hàng hải Việt Nam.

3. Quy chế này không quy định việc điều động, luân chuyển đối với công chức đang giữ các chức danh Lãnh đạo Cục, công chức, viên chức phải chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Mục đích yêu cầu

1. Mục đích

a) Thực hiện đúng quy định của pháp luật;

b) Đào tạo bồi dưỡng, rèn luyện thử thách công chức, viên chức nhất là công chức, viên chức trẻ, có triển vọng, giúp công chức, viên chức trưởng thành toàn diện;

c) Từng bước điều chỉnh việc bố trí công chức, viên chức hợp lý hơn; tăng cường nhân lực cho các đơn vị, nhất là những đơn vị có điều kiện làm việc khó khăn, phức tạp;

d) Tạo điều kiện để công chức, viên chức trong quy hoạch được học tập, bổ sung kiến thức, tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn trong công tác lãnh đạo quản lý; tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài cho Cục HHVN và ngành Hàng hải;

đ) Tạo sự đột phá trong công tác cán bộ, xóa bỏ quan điểm, thói quen ngại rèn luyện, ngại phấn đấu.

2. Yêu cầu

a) Căn cứ vào quy hoạch cán bộ, kế hoạch hàng năm, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, tiêu chuẩn chức danh, kết quả đánh giá công chức viên chức và nhu cầu công việc;

b) Thực hiện dân chủ, công khai, tạo sự thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo và cấp ủy Đảng; bảo đảm không gây nên những xáo trộn lớn; chú trọng sự ổn định và đoàn kết trong đơn vị;

c) Khách quan, công tâm và hợp lý, không lợi dụng công tác điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức để bè phái, trù dập cá nhân hoặc nhằm mục đích vụ lợi.

Điều 3. Thẩm quyền quyết định điều động, luân chuyển và biệt phái công chức, viên chức

1. Công chức, viên chức thuộc cấp nào quản lý thì cấp đó quyết định việc điều động, luân chuyển và biệt phái.

2. Trường hợp công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý do cấp dưới bổ nhiệm nhưng đã được quy hoạch chức danh lãnh đạo do cấp trên quản lý thì trước khi điều động, luân chuyển phải báo cáo xin chủ trương của cấp phê duyệt và quản lý quy hoạch.

Chương 2.

ĐIỀU ĐỘNG, LUÂN CHUYỂN VÀ BIỆT PHÁI

Điều 4. Điều động

1. Việc điều động công chức, viên chức phải được tiến hành theo kế hoạch đã xây dựng và đảm bảo mục đích, yêu cầu quy định tại Điều 2 Quy chế này. Thời gian điều động do Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị quyết định.

2. Thực hiện điều động công chức, viên chức trong những trường hợp sau:

– Theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể;

– Công chức lãnh đạo, quản lý và thủ trưởng đơn vị trực thuộc Cục đã giữ chức vụ lãnh đạo tại một đơn vị liên tục hai (02) nhiệm kỳ.

– Công chức lãnh đạo, quản lý và thủ trưởng đơn vị trực thuộc Cục trong thời gian đảm nhiệm chức vụ chưa hết một hoặc hai nhiệm kỳ mà không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

– Trường hợp đặc biệt do Cục trưởng quyết định.

3. Bố trí công tác cho Công chức lãnh đạo, quản lý và Thủ trưởng đơn vị khi thực hiện điều động.

– Công chức lãnh đạo, quản lý và Thủ trưởng đơn vị sau hai nhiệm kỳ giữ chức vụ lãnh đạo khi được điều động đến đơn vị mới, được giữ chức vụ lãnh đạo là Thủ trưởng đơn vị, cấp phó đơn vị hoặc không giữ chức vụ lãnh đạo đơn vị. Nếu có nguyện vọng ở lại đơn vị cũ thì không được giữ chức vụ lãnh đạo đơn vị.

– Công chức lãnh đạo, quản lý và Thủ trưởng đơn vị trong thời gian đảm nhiệm chức vụ chưa hết một hoặc hai nhiệm kỳ mà không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, khi được điều động thì không được giữ chức vụ lãnh đạo đơn vị.

Điều 5. Luân chuyển.

1. Việc luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải được tiến hành theo kế hoạch đã xây dựng và đảm bảo mục đích, yêu cầu quy định tại Điều 2 Quy chế này. Thời gian luân chuyển do Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị quyết định.

2. Công chức, viên chức luân chuyển đến đơn vị mới thì được tính vào biên chế của đơn vị đó và được hưởng tất cả các chế độ theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 6. Biệt phái

1. Biệt phái công chức, viên chức phải đảm bảo mục đích, yêu cầu quy định tại Điều 2 Quy chế này.

2. Công chức, viên chức biệt phái phải chấp hành sự phân công, công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái.

3. Công chức, viên chức biệt phái đến công tác tại đơn vị mới thì không được tính vào biên chế của đơn vị đó. Các chế độ được hưởng theo quy định hiện hành của nhà nước và quy chế của đơn vị.

4. Không thực hiện biệt phái công chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Điều 7. Quy trình thực hiện điều động, luân chuyển

1. Xây dựng kế hoạch điều động, luân chuyển

Căn cứ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; căn cứ thời hạn bổ nhiệm cán bộ bộ phận làm công tác cán bộ của đơn vị xây dựng kế hoạch điều động và luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thuộc diện cần luân chuyển và điều động trình cấp có thẩm quyền ban hành.

2. Thực hiện kế hoạch điều động, luân chuyển

Bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ thực hiện các công việc:

– Lập danh sách các đối tượng cần điều động, luân chuyển và dự kiến vị trí công tác, nơi cần điều động, luân chuyển đến, trình Cục trưởng thông qua lãnh đạo Cục;

– Trao đổi trực tiếp với đối tượng cần điều động và luân chuyển­;

– Làm việc với tập thể lãnh đạo, cấp ủy Đảng nơi điều động và luân chuyển cán bộ đến.

3. Hồ sơ điều động và luân chuyển.

– Tờ trình của bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ;

– Biên bản họp nhận xét, đánh giá cán bộ của lãnh đạo và cấp ủy Đảng đơn vị đang quản lý cán bộ;

– Cán bộ được điều động hoặc luân chuyển làm bản tự kiểm điểm cá nhân;

– Sơ yếu lý lịch cá nhân (theo mẫu 2c/BNV);

– Bản kê khai tài sản cá nhân tính đến thời điểm điều động hoặc luân chuyển.

Điều 8. Chế độ chính sách đối với công chức, viên chức điều động, luân chuyển và biệt phái.

1. Công chức, viên chức điều động, luân chuyển, được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của nhà nước và quy chế của đơn vị nơi công chức, viên chức được điều động, luân chuyển, biệt phái đến.

2. Trường hợp công chức, viên chức được điều động,l uân chuyển đến vị trí công tác khác không phù hợp với ngạch hiện giữ thì phải chuyển ngạch theo quy định và thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm kể từ ngày có quyết định điều động, luân chuyển.

3. Trường hợp công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được điều động đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang được hưởng thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện đang được hưởng trong thời gian 06 tháng.

4. Trường hợp công chức được luân chuyển, biệt phái đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện hưởng trong thời gian luân chuyển hoặc biệt phái.

5. Cơ quan, tổ chức, đơn vị cử công chức, viên chức biệt phái có trách nhiệm trả lương và phụ cấp theo quy định hiện hành của Nhà nước. Ngoài ra công chức, viên chức được biệt phái còn được hưởng các chế độ khác theo quy chế của đơn vị nơi biệt phái đến.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phối hợp với cấp ủy tiếp tục quán triệt chủ trương này tới từng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị và đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện.

2. Căn cứ các nội dung hướng dẫn trên, các đơn vị chủ động xây dựng quy chế về điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức của đơn vị mình.

Điều 10. Sửa đổi, bổ sung Quy chế

Quy chế này được sửa đổi, bổ sung khi cần thiết cho phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại các cơ quan, đơn vị./.

Đăng bởi: Phòng Giáo Dục Sa Thầy

Chuyên mục: Tài liệu – Văn Bản

Rate this post