Quyết định 2045/QĐ-TTg Tăng cường phổ biến pháp luật giai đoạn 2018 – 2021 - Phòng GD&DT Sa Thầy

Quyết định 2045/QĐ-TTg Tăng cường phổ biến pháp luật giai đoạn 2018 – 2021

pgdsathay
pgdsathay 15/10/2022

Quyết định 2045/QĐ-TTg

Tăng cường phổ biến pháp luật giai đoạn 2018 – 2021

Ngày 19/12/2017, Thủ tướng ban hành Quyết định 2045/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng biện pháp tư pháp hoặc biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018-2021.

Bạn đang xem: Quyết định 2045/QĐ-TTg Tăng cường phổ biến pháp luật giai đoạn 2018 – 2021

Theo đó, quy định đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật của đề án bao gồm 03 nhóm:

Nhóm 1: Những đối tượng đang được quản lý, giáo dục, cải tạo tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Nhóm 2: Những đối tượng thuộc phạm vi quản lý của chính quyền địa phương.

Nhóm 3: Những đối tượng do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 2045/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2017

QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI ĐANG CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TÙ; NGƯỜI BỊ ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP TƯ PHÁP HOẶC CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH, NGƯỜI MỚI RA TÙ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG, THANH THIẾU NIÊN VI PHẠM PHÁP LUẬT, LANG THANG CƠ NHỠ GIAI ĐOẠN 2018 – 2021

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 – 2021.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

Nơi nhận:
– Như Điều 3;

– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Quốc hội;
– Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán nhà nước;
– Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
– Lưu: VT, NC (2). PC

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI ĐANG CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TÙ; NGƯỜI BỊ ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP TƯ PHÁP HOẶC CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH, NGƯỜI MỚI RA TÙ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG, THANH THIẾU NIÊN VI PHẠM PHÁP LUẬT, LANG THANG CƠ NHỠ GIAI ĐOẠN 2018 – 2021
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2045/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ)

I. QUAN ĐIỂM

1. Thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho các đối tượng của Đề án.

2. Chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng; đảm bảo cung cấp thông tin pháp luật thường xuyên, liên tục trên diện rộng và cho cả trường hợp cá biệt.

3. Xác định rõ lộ trình thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng.

4. Kế thừa những kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của Đề án trong thời gian qua; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, MỤC TIÊU

1. Phạm vi

Đề án được triển khai thực hiện tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở trợ giúp xã hội, các xã, phường, thị trấn trên phạm vi cả nước từ năm 2018 đến năm 2021.

2. Đối tượng

a) Chủ thể chủ trì thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi của Đề án bao gồm Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc, Giám đốc cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở xã hội, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự các cấp, thủ trưởng đơn vị quân đội có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

b) Đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật của Đề án bao gồm:

– Nhóm 1: Những đối tượng đang được quản lý, giáo dục, cải tạo tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ (sau đây gọi là cơ sở giam giữ), trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc gồm: Người đang chấp hành hình phạt tù, người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, người bị tạm giữ, tạm giam (đối tượng này tuy không thuộc phạm vi của Đề án nhưng liên quan đến việc triển khai Đề án tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ).

– Nhóm 2: Những đối tượng thuộc phạm vi quản lý của chính quyền địa phương, gồm: Người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, người bị phạt tù được hưởng án treo, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng bao gồm cả người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được đặc xá.

– Nhóm 3: Những đối tượng do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, gồm: Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ đã được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội.

3. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cho các đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật của Đề án; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các đối tượng nêu trên đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, góp phần phòng ngừa tội phạm, tái phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác do thiếu hiểu biết về pháp luật, hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi của Đề án tái hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả; đồng thời đảm bảo quyền được học tập, tìm hiểu pháp luật, được phổ biến các quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, pháp luật hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính…

b) Mục tiêu cụ thể

– Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm trang bị những kiến thức pháp luật cần thiết cho các đối tượng của Đề án.

+ Duy trì, đảm bảo 100% đối tượng là người đang chấp hành hình phạt tù, người bị tạm giữ, tạm giam, người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ đã được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội thường xuyên được phổ biến và nắm được các quy định pháp luật cơ bản liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân nói chung, của đối tượng nói riêng, các hành vi bị nghiêm cấm, tác hại, trách nhiệm pháp lý khi vi phạm pháp luật và các quy định khác liên quan đến từng cá nhân đối tượng.

+ Phấn đấu từ 90% trở lên đối tượng là người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, người bị phạt tù được hưởng án treo, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được đặc xá, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng được phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên biệt theo quy định của pháp luật.

+ Đảm bảo 100% trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện, cơ sở trợ giúp xã hội lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật vào chương trình học pháp luật, giáo dục công dân, chương trình học văn hóa, học nghề, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng của Đề án.

+ Xây dựng và nhân rộng những mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

– Nâng cao năng lực, trách nhiệm của chủ thể làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của Đề án.

+ Phấn đấu 80% chủ thể và cá nhân thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi của Đề án được cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng có liên quan để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ.

+ Đảm bảo 90% cơ quan, tổ chức, đoàn thể, địa phương, cộng đồng dân cư được giao quản lý, giúp đỡ người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, người bị phạt tù được hưởng án treo, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được đặc xá, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng thường xuyên, tích cực, chủ động phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này, giúp các đối tượng tự tin, thuận lợi trong hòa nhập cộng đồng, tránh tái phạm và vi phạm pháp luật.

– Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi Đề án đạt hiệu quả tốt.

+ Đảm bảo các mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của Đề án được duy trì và đi vào nề nếp.

+ Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng, góp phần xóa bỏ thái độ kì thị, định kiến phân biệt đối xử đối với đối tượng của Đề án.

+ Thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức tư vấn pháp luật, tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý, các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật thực hiện tư vấn, hướng dẫn, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật miễn phí cho các đối tượng của Đề án theo quy định của pháp luật; các doanh nghiệp tham gia hoạt động dạy nghề, tuyển dụng lao động đối với các đối tượng của Đề án.

+ Phát huy vai trò của các đoàn thể, nhà trường, gia đình trong phổ biến, giáo dục pháp luật.

+ Huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ tự nguyện, theo quy định của pháp luật từ các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để triển khai thực hiện Đề án.

+ Tăng cường ứng dụng công nghệ, thông tin trong thực hiện Đề án.

Phòng Giáo Dục Sa Thầy file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

Đăng bởi: Phòng Giáo Dục Sa Thầy

Chuyên mục: Tài liệu – Văn Bản

Rate this post